Sau khi các ĐTVN đạt hàng loạt thành tích tại sân chơi khu vực và châu lục, nhiều người làng bóng, trong đó có chính các cầu thủ đều đứng trước suy nghĩ: Việt Nam đã vượt Thái Lan chưa? Bản thân suy nghĩ ấy là bình thường, dễ hiểu. Vậy câu trả lời thế nào?
Bán kết lượt đi AFF Cup 2020 ta thua Thái 0-2, rồi bị loại. Đấy là trận ta không có Hùng Dũng, Văn Hậu, Văn Lâm. Đấy là lý do mà sau khi bị loại, nhiều người vẫn không tin là chúng ta dưới Thái Lan. Đến chung kết lượt đi AFF Cup mùa này, khi ta có bộ 3 át chủ nói trên, trong khi Thái vắng Chanathip cùng hàng loạt hảo thủ thì ta hoà 2-2. Hoà trong thế gỡ bàn phút cuối. Xét thuần tuý về mặt dữ liệu qua 2 giải AFF Cup (tính đến trước trận Ck lượt về), rõ ràng ta dưới Thái.
Giờ nói kỹ về trận hoà 2-2- trận đấu mà đa phần mọi người đều nói “may mà thoát thua”. Điều gì đã xảy ra vậy? Trong suốt trận đấu, từ hiệp 1 qua hiệp 2, khoảng trống giữa hàng tiền vệ và hậu vệ của ta quá lớn. Thái đập nhả tốt, khiến VN bị xô đội hình, và liên tục làm chủ khoảng trống này.
Chúng ta sẽ bịt được phần nào khoảng trống này nếu có một tiền vệ quét đủ nhiệt và đủ tỉnh. Bộ đôi Hùng Dũng – Hoàng Đức đều là mẫu tấn công, không phải mẫu “quét”. Sự hỗ trợ từ xa của họ cho hàng thủ là không đủ. Những pha băng lên của các trung vệ nhằm bịt khoảng trống cũng không hiệu quả, vì hệ thống của Thái cầm bóng, xoay trở quá nhanh.
Câu hỏi đặt ra: Vậy tại sao chúng ta không dùng 1 tiền vệ quyét thực thụ, kiểu như Đức Huy ở AFF Cup 2018? Câu trả lời có thể nằm ở vấn đề tâm trí: chúng ta nghĩ rằng đá với Thái vẫn có thể sử dụng 1 hệ thống như đá với Indo, Malay. Mà cũng có thể trong tay ông Park hiện không có tiền vệ quyét thực thụ nào. Vậy thì ở trận lượt về, đôn Thành Chung hoặc Duy Mạnh lên đá quyét, gia cố sức chiến đấu cho hàng tiền vệ phải chăng là một giải pháp cần nghĩ đến?
Bây giờ hãy đặt ra 1 giả định: Nếu đối phương không phải Thái mà là Nhật, Hàn, Saudi Arabia thì điều gì sẽ xảy ra nếu ta bị gỡ 1-1 ngay đầu hiệp 2? Câu trả lời là: thì cũng bình thường thôi, vì đối thủ trên cơ mà. Nhưng Thái làm điều đó lại là chuyện khác. Có vẻ đâu đó trong suy nghĩ của mình, chúng ta vẫn không thừa nhận Thái trên cơ, nên khi bất ngờ thua bàn, chúng ta “cay mũi”, và từ “cay mũi” đến sụp đổ tâm lý là một khoảng cách rất gần.
Phải thay đổi ngay điều này ở lượt về. Hãy trung thực với tâm trí mình để thừa nhận Thái vẫn nhỉnh hơn. Vì vậy nếu chẳng may bị thua bàn trước thì hãy coi đấy là chuyện bình thường. Đừng vì thế mà sụp đổ. Phải lường trước và xác định rất rõ điều này mới có hy vọng lật ngược thế cờ nếu chẳng may thua trước.
Trong bóng đá, đội bóng đuối hơn thắng đội bóng nhỉnh hơn là điều hết sức bình thường. Vấn đề là phải trung thực thừa nhận mình đuối hơn để đá theo cách của đội “đuối hơn”, và có những phản ứng tâm lý tích cực trong tư thế của một người “đuối hơn”.
Ở 2 trận bán kết VN – Indo, thầy trò Indo đã không trung thực đối diện với tình thế của người “đuối hơn”. Họ cứ phải cố gắng “nói to”, mà thực chất là “nói to cho đỡ sợ”. Nhưng nỗi sợ vẫn còn nguyên trong sâu thẳm lòng họ, cho nên khi thua 2 quả ở đầu mỗi hiệp, họ sụp đổ hoàn toàn. Sụp đổ tới mức ngay cả khi cầu thủ VN đứng im, không tranh chấp thì họ vẫn thi nhau chuyền bóng hỏng. Đấy là lúc nỗi sợ trào lên, đánh gục họ, trước khi những đôi chân VN đánh gục họ.
Chúng ta không nên đi vào vết xe đổ của Indo. Hãy cứ trung thực với tâm trí mình cho dễ đá: Đúng, chúng tôi yếu hơn đấy, nhưng chúng tôi vẫn có “võ” của kẻ yếu để thắng kẻ mạnh. Chung kết AFF Cup lượt đi năm 2008, thầy trò Calisto đã thắng Thái ngay trên đất Thái bằng chính tinh thần và những miếng võ của kẻ yếu. Hôm ấy Calisto đã bất ngờ kéo Tấn Tài – cầu thủ chuyện bám cánh vào “quét” giữa, rồi lại bất ngờ kéo Công Vinh xuống đá tiền vệ- tạo nên những miếng đánh lạ làm người Thái trở tay không kịp.
Thứ Hai tuần tới, lịch sử sẽ lặp lại nếu chúng ta trung thực với tâm trí của chúng ta!